Hỏi: Xin chào Luật sư. Hiện tại, gia đình tôi đang vướng vào một vụ kiện liên quan đến tranh chấp đất đai.
Tóm tắt, gia đình tôi có mua một mảnh đất vườn cách đây 20 năm, có sổ đỏ, có hàng rào khu đất và đóng thuế đất hàng năm. Gần đây, vì thay đổi quản lý đất bằng Vlap, gia đình tôi được cấp lại sổ hồng. Tuy nhiên, diện tích trên sổ hồng ít hơn diện tích cũ trên sổ đỏ. Ba tôi có làm đơn khiếu nại và đề nghị cấp lại, nhưng không được cơ quan chức năng địa phương đáp ứng. Lý do đưa ra là họ cấp theo quản lý mới của Vlap. Chúng tôi không biết phải làm gì, tất nhiên là không chấp nhận câu trả lời này, nên vẫn đang duy trì như hiện trạng khu đất (vì chúng tôi có hàng rào) và vẫn giữ sổ hồng hiện tại. Một thời gian sau, chúng tôi nhận được đơn khiếu kiện từ một gia đình khác. Trong đơn ghi, chúng tôi lấy đất của họ trái phép, dựa trên sổ hồng lô đất mà họ đang có quyền sử dụng. Kết quả hiện tại, chúng tôi bị xử thua kiện. Nhờ Luật sư tư vấn giúp, liệu rằng về mặt luật pháp, chúng tôi có thể kháng cáo hay không và quy trình cần tiến hành như thế nào. Chân thành cảm ơn Luật sư.
*Trả lời:
Đất được cấp sổ bị sai diện tích thật phải chứng minh được mình có quyền hợp pháp với mảnh đất đó (thông qua các giấy tờ mua bán đất, sổ đỏ, sổ hồng,…).
Trường hợp nếu xảy ra tranh chấp mà không thể tự mình giải quyết, có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên đương sự có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại (Điều 100 Luật đất đai 2013) thì do Tòa án giải quyết.
Khoản 5 điều 98 Luật đất đai 2013 quy định:
“Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”
Trường hợp này, bạn có thể Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Đưa ra các bằng chứng về diện tích thật của thửa đất trước, nguồn gốc đất, đưa ra sổ hồng.
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC KHÁNG CÁO BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ
1. Người có quyền kháng cáo: (Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự)
– Đương sự, người đại diện hợp pháp của họ
– Cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
2. Thời hạn kháng cáo: (Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự).
– Đối với đương sự có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
– Thời hạn kháng cáo quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
– Nếu đơn kháng cáo gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. – Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do chính đáng
3. Đơn kháng cáo: (Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự)
– Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
+ Tên, địa chỉ của người kháng cáo;
+ Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
+ Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
– Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm.