THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi Bản án sơ thẩm hoặc Bản án phúc thẩm về giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự mới phát hiện có sự vi phạm pháp luật trong chính Bản án đó.

Vậy, để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân mình thì đương sự có thể thực hiện thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thời hạn để đương sự thực hiện thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai được quy định tại khoản 1 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là  01 năm, kể từ ngày Bản án về giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong Bản án đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ hai, về đơn của thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai:

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn của thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;

+ Tên, địa chỉ của người đề nghị;

+ Tên Bản án giải quyết tranh chấp về đất đai của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;

+ Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;

+ Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Về mẫu đơn của thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai (Mẫu đơn số 82-DS), quý vị có thể tải về và in ra từ Danh mục 93 biểu mẫu trong Tố tụng dân sự (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP)

Thứ ba của thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai là gửi đơn:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 328 và Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự gửi đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị, cụ thể:

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án về giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; Bản án về giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Giả sử: Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM ra Bản án phúc thẩm giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự gửi đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án về giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Giả sử: Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Bản án sơ thẩm hoặc Bản án phúc thẩm giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự gửi đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Lưu ý: Để đơn của thủ tục đề nghị giám đốc thẩm về Bản án về tranh chấp đất đai của đương sự được người có thẩm quyền thực hiện thủ tục kháng nghị chấp nhận thì phải có các căn cứ và điều kiện kèm theo được quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể là những căn cứ sau:

+ Kết luận trong Bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra Bản án không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Do vậy, không phải lúc nào đương sự khi thực hiện thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai cũng đều được chấp nhận. Quý vị cần xem xét, cân nhắc và quyết định kỹ lưỡng từ để tránh mất thời gian, lãng phí tiền bạc.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục đề nghị giám đốc thẩm Bản án về tranh chấp đất đai. Hi vọng bài viết này của chúng tôi sẽ giúp ích được cho quý vị.

Quý vị có thể tham khảo một số bài viết khác của chúng tôi tại link: https://luatsunhadathcm.com/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-dat-coc-mua-ban-nha-dat/

 Chuyên viên: KIM PHÚC

LIÊN HỆ

Để đội ngũ Luật sư chuyên về nhà đất chúng tôi có cơ hội tư vấn, hỗ trợ giao dịch nhà đất thành công, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và đạt hiệu quả cao. Quý khách vui lòng liên hệ:

 Luật sư Phạm Thị Nhàn                 ĐT:  0968.605.706.

Công ty Luật TNHH Vạn Tín           ĐT: 028.7309.6558;           website: https://luatvantin.com.vn/

Số 7 Đường số 14, Khu Đô Thị Mới Him Lam, phường Tân Hưng, Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh

Fanpage: https://www.facebook.com/LU%E1%BA%ACT-S%C6%AF-NH%C3%80-%C4%90%E1%BA%A4T-1057002254479124

Facebook: https://www.facebook.com/phamthinhan.ls

Website: https://luatsulyhon.com.vn/;https://luatsunhadathcm.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0968.605.706